Các tổ chức của Nhật thành công trong mọi lĩnh vực vì tất cả họ đều áp dụng nguyên tắc 5S trong hoạt động. Vậy 5S là gì?
5S là gì?
5S là một phương pháp, 1 mô hình được vận dụng trong doanh nghiệp có mục đích tạo ra một môi trường sạch sẽ, khoa học, gọn gàng và tiện lợi cho doanh nghiệp. 5S là 5 chữ cái đầu của các từ tiếng Nhật: Seiri, Seiton, Seiso, Seiketsu, Shitsuke với ý nghĩa cụ thể như sau:
Seiri (sàng lọc)
Sàng lọc nhằm phân loại và tổ chức đồ vật cần thiết và không cần thiết theo trật tự nhằm loại bỏ đồ không cần thiết hoặc di dời khỏi khu vực làm việc. Đây là bước đầu tiên các doanh nghiệp cần làm trong việc áp dụng công cụ 5S.
Với hoạt động sàng lọc, ta có thể loại bỏ lãng phí trong quá trình tìm kiếm vật dụng, giảm tồn kho và tận dụng diện tích nhà máy hiệu quả hơn, từ đó góp phần giảm chi phí sản xuất và hướng đến việc xây dựng một môi trường làm việc an toàn.
Seiton (sắp xếp)
Sau khi đã loại bỏ các vật dụng không cần thiết thì công việc tiếp theo là tổ chức các vật dụng còn lại một cách hiệu quả theo tiêu chí: dễ tìm, dễ thấy, dễ lấy và dễ trả lại.
Khi thực hiện tốt hoạt động này trong nhà máy, ta sẽ giảm được tình trạng mất mát dụng cụ, đồ vật, giảm được thời gian tìm kiếm công cụ cần thiết, giảm tình trạng thiếu an toàn trong môi trường làm việc, đồng thời giảm được thời gian dừng chờ đợi mỗi khi có sự thay đổi. Những lợi ích trên giúp nhà máy tăng hiệu suất làm việc.
Seiso (sạch sẽ)
Về cơ bản, sạch sẽ tức là vệ sinh khu vực, bảo đảm không còn rác hay bụi bẩn và kiểm tra cẩn thận xem có vấn đề gì hay không.
Hoạt động này hướng đến cải thiện môi trường làm việc và giảm nguy cơ tai nạn lao động. Nhờ đó, chất lượng sản phẩm tăng lên và tỷ lệ xảy ra sự cố giảm xuống.
Seiketsu (săn sóc)
Hoạt động săn sóc giúp duy trì kết quả và các hoạt động trong 3S đầu tiên, đây là mục tiêu mang tính lâu dài.
Hoạt động này giúp ta dễ dàng phát hiện những hiện tượng bất thường, từ đó mang lại lợi ích lớn về mặt an toàn và môi trường của nhà máy.
Shitsuke (sẵn sàng)
Sẵn sàng là hoạt động quan trọng nhất chi phối và chỉ đạo 4S còn lại. Hoạt động này thực chất hướng đến việc tạo thói quen thực hiện những công việc đã được tiêu chuẩn hóa trong săn sóc.
Với hoạt động sẵn sàng, việc tuân thủ những quy định được đặt ra giúp giảm tình trạng làm việc bất cẩn, tăng tính kỷ luật trong nhà máy, đồng thời giúp các mối quan hệ giữa người với người trở nên tốt hơn, từ đó nâng cao tinh thần làm việc của công nhân viên.
5S được một số nơi phát triển lên thành 6S. S thứ 6 là Safety (An toàn), nhưng bản thân nếu làm đúng 5S kể trên là đã gồm an toàn cho nhân viên. Tuy nhiên, ở một số công ty Nhật, 5S lại được rút gọn lại thành 3S (lấy 3S đầu tiên) do mọi người đều sẵn sàng làm 3S và luôn luôn ý thức, kỷ luật tốt.
5S với mục tiêu hướng tới liên tục cải tiến nhằm nâng cao năng suất, nâng cao chất lượng của mỗi công việc, mỗi cá nhân. Vì vậy các doanh nghiệp có thể áp dụng triết lý 5S này để quản lý doanh nghiệp một cách hiệu quả.
Nguồn: http://www.mtc.edu.vn/chi-tiet-tin/Cong-cu-5S-va-triet-ly-cua-nguoi-Nhat-Truong-MTC-20341.html